04

Jul 2018

KEO BỌT NỞ CHỐNG CHÁY LÀ GÌ?

Trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, keo bọt trương nở dạng chai xịt được sử dụng ngày càng phổ biến và rộng rãi trong ngành xây dựng, điện công nghiệp và sửa chữa nhỏ trong gia đình.
Keo bọt nở PU foam có nhiều tính năng ưu việt trong việc trám trétbịt kín khe hở như:

  • Khả năng điền đầy cao (foam trương nở gấp nhiều lần, chèn kín khe hở cần thi công).
  • Khả năng chống thấm nước hiệu quả.
  • Khả năng kết dính hai loại vật liệu khác nhau bê tông, gỗ, kim loại, nhựa (nhưng không kết dính với polyethylene, silicone hoặc PTFE).
  • Khả năng ngăn cháy, cách âm, cách nhiệt.
  • Khả năng bịt kín khói, khí độc, mùi hôi, v.v..

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ đến quý khách một số kiến thức cơ bản về keo bọt nở chống cháy và các tiêu chuẩn chống cháy được áp dụng. Mời quý khách tiếp tục theo dõi.

1. Thành phần chính và dạng đóng gói:

Về cơ bản, keo bọt trương nở dạng chai xịt (polyurethane expansion foam) có thành phần chủ yếu là một hợp chất hóa học duy nhất polyurethane. Hỗn hợp này tồn tại ở thể lỏng, được chứa trong bình kim loại cùng với khí nén.
Khi phun foam ra ngoài, cần lắp thêm súng bắn foam chuyên dụng hoặc vòi nhựa đi kèm. Foam PU ngay khi ra khỏi bình chứa sẽ lập tức phản ứng với độ ẩm trong không khí mà trương nở và lưu hóa thành bọt xốp có độ cứng vừa phải.
Trên thị trường hiện nay, foam trương nở một thành phần được đóng gói trong bình kim loại có thể tích là 500ml hoặc 750ml. Khối lượng bình chứa (bao gồm vỏ bình và lượng chất lỏng chứa trong bình) dao động từ 500g đến 1000g.
+ Dùng vòi phun: cách thi công này có ưu điểm là tiện dụng, nhanh chóng. Nhưng có nhược điểm là phải dùng hết foam trong chai, khó bảo quản chai thừa sau khi dùng xong, khó điều chỉnh lượng foam phun ra dẫn đến hao hụt lớn. Thông thường, người ta dùng vòi trong những trường hợp cần bịt kín những lỗ hỏng lớn, bịt kín cốp pha xây dựng, chèn, che lỗ hỏng tạm cho công tác MEP…
+ Dùng súng phun: cách thi công này thường được áp dụng cho công tác lắp đặt cửa đi, cửa sổ do yêu cầu độ chính xác cao, khe thi công nhỏ, giảm thiểu hao hụt. Cách thi công này cần trang bị súng phun chuyên dụng và nước rửa súng sau khi sử dụng, tuy nhiên chai foam thừa sau khi dùng bảo quản dễ dàng và giảm đáng kể lượng foam hao hụt.

2. Tỉ trọng sản phẩm và đo lường thể tích sử dụng

Tỉ trọng foam bọt nở một thành phần dao động trong khoảng 19kg – 23kg/m3 tùy phương pháp đo và nhà sản xuất. Trong thi công, sử dụng, người ta quan tâm nhiều đến thể tích cuối cùng sau khi lưu hóa của foam PU. Vì vậy, lượng chất lỏng đóng gói trong chai khí nén và tỉ lệ trương nở sẽ ảnh hưởng nhiều đến lượng foam PU cuối cùng có được. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ trương nở quá cao, vô tình làm kích thước bóng khí trong foam to, gây giảm cường độ và khả năng chịu lực của foam (trong các ứng dụng lắp đặt cửa, cường độ bám dính và chịu lực rất quan trọng!). Vì vậy, việc cân bằng giữa tỉ lệ trường nở và hiệu quả hoạt động của foam PU là rất quan trọng.

Việc đo lường thể tích foam bọt sau khi trương nở được tiến hành theo nhiều phép thử khác nhau. Trong đó, phép thử của hiệp hội ngành keo và chất kết dính Châu Âu được khuyên dùng.

3. Các cấp chống cháy của foam PU theo DIN 4102-1

Foam bọt nở PU là hợp chất polyme hữu cơ, nên việc bắt cháy và dẫn cháy là bình thường như các loại nhựa khác. Tuy nhiên, tùy vào mục đích sử dụng, nhà sản xuất sẽ thêm các thành phần kháng cháy, chậm cháy để làm giảm khả năng bắt cháy của foam PU. Theo tiêu chuẩn Đức DIN 4102-1 chúng ta phân Khả Năng Chống Cháy của vật liệu theo các cấp sau :

Theo bảng trên thì DIN 4102-1 phân ra làm hai (02) loại vật liệu:

A. Vật liệu không bị cháy : A1 và A2. Thông thường là các hợp chất vô cơ như bông khoán, sợi vô cơ gốc Silic…

B. Vật liệu bị cháy: các vật liệu polyme hữu cơ là chủ yếu.

B1: kháng lửa, không dẫn cháy, dùng trong vật liệu xây dựng, nhà cao tầng.

B2 : cháy bình thường, không dẫn cháy, không dễ bắt cháy

B3 : dẫn cháy và bắt lửa cao.

Căn cứ theo cách phân loại trên, hiện nay thị trường foam bọt nở đang thông dụng các loại foam bọt nở B1, B2, B3…Trong đó, đa số là foam bọt nở B3 do giá thành rẻ.

Về foam bọt nở chống cháy, thường được sản xuất từ vật liệu kháng cháy B1 hoặc B2. Và để xác định khả năng kháng cháy của vật liệu foam B1, B2, nhà sản xuất phải gửi mẫu sản phẩm của mình đến những phòng thí nghiệm độc lập, tin cậy để kiểm tra, đánh giá theo tiêu chuẩn qui định (VD: thử nghiệm theo tiêu chuẩn Châu Âu EN1366-4.). Căn cứ theo kết quả thử nghiệm này, nhà thiết kế, người sử dụng sẽ ra bản vẽ mô tả kích thước khe hở (chiều rộng – chiều sâu khe hở) sao cho đáp ứng được thời gian kháng cháy theo yêu cầu của dự án (từ 60 phút đến 240 phút.)

4. Các lĩnh vực ứng dụng của foam thường (B3) và foam chống cháy

Như đã nêu ở trên, foam bọt nở PU thường được sử dụng trong chèn khe, bịt kín lỗ hỏng trong xây dựng, chống thấm, lắp đặt khung bao cửa đi, cửa sổ, các lỗ thông tầng, thông tường trong MEP, HVAC. Những khu vực yêu cầu chống cháy thì sử dụng foam PU chống cháy.

5. Những lưu ý và hạn chế cần phải tránh khi sử dụng foam bọt nở

  • Chai khí nén cần được bảo quản cẩn thận, tránh nguồn nhiệt cao, di chuyển cẩn thận, nhẹ nhàng, tránh va đập.
  • Bảo quản ở nhiệt độ mát , lắc đều trước khi sử dụng.
  • Luôn đặt chai hướng lên.
  • Khi tiếp xúc thời gian dài dưới ánh mặt trời sẽ làm cho foam bọt nở PU bị phai màu. Cần sơn phủ hoặc che chắn để có hiệu quả sử dụng lâu dài ngoài trời.
  • Làm ẩm một chút bề mặt thi công sẽ giúp tăng khả năng bám dính và thời gian khô của foam bọt nở PU.

Share this post with the world!

bình luận về bài viết “KEO BỌT NỞ CHỐNG CHÁY LÀ GÌ?”